HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ VNPT
PHÁT HÀNH NHANH - AN TOÀN, BẢO MẬT - TIẾT KIỆM CHI PHÍ

TỌA ĐÀM: ĐƯA HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ VÀO CUỘC SỐNG

(Chinhphu.vn) - Hóa đơn điện tử được xem là sẽ tạo 'cú hích' lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi vẫn có không ít DN 'ngại' minh bạch tìm cách chậm triển khai... Do đó, để hóa đơn điện tử nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có giải pháp.

Các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà DN có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.

HĐĐT được xem là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa gặt hái nhiều thành công như mong đợi và phía trước vẫn còn nhiều thách thức, bởi vẫn có không ít doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai, nhiều khách hàng vẫn ngại sự thay đổi. Do đó, để HĐĐT nhanh chóng triển khai trên diện rộng thì cần có giải pháp.

Để thông tin về vấn đề này, ngày 24/10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống".

Khách mời Tọa đàm:

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa ông Nguyễn Đại Trí, ông có thể giải thích cụ thể về HĐĐT  và điểm khác biệt nổi bật của HĐĐT  so với hóa đơn giấy truyền thống lâu nay?

Ông Nguyễn Đại Trí: HĐĐT  đem lại một sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trước đây, việc lập hóa đơn hoàn toàn mang tính thủ công; đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, DN hoàn toàn có thể xuất HĐĐT của các DN trên cơ sở đó kết xuất để đưa vào hệ thống chủ.

Theo đó toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận của HĐĐT  đều được thực hiện qua kênh điện tử. Như vậy, tiết kiệm rất nhiều cho người nộp thuế; giúp cho việc bảo quản, sử dụng hóa đơn tốt hơn rất nhiều.

Thêm nữa, cũng do việc lưu trữ là một áp lực rất lớn cho DN và xã hội, vì vậy mà việc lưu trữ trên điện tử rất tiện lợi. Về phía cơ quan thuế, chúng tôi hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, công tác kiểm tra, đối chiếu, rà soát cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn.

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, HĐĐT mang lại những tiện lợi gì cho DN và người dân, những lợi ích về kinh tế xã hội?

Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi kì vọng HĐĐT sẽ mang lại những lợi ích lớn cho cộng đồng kinh doanh, cho cơ quan quản lý nhà nước và cho nền kinh tế nói chung. Hiện tại, theo quan sát của tôi thì hóa đơn giấy cũng có tới 4 thủ tục hành chính liên quan đến HĐĐT  như khai báo sử dụng, mất cũng phả tiến hành thủ tục thông báo... Việc đưa HĐĐT  vào cũng đã giảm được những việc như vậy. Với đăng kí gọn nhẹ, doanh ngiệp tiết kiệm được rất nhiều và giảm thiểu rủi ro cho DN. Hi vọng với chuyển đổi mạnh mẽ của ngành thuế, các DN và người nộp thuế sẽ được thụ hưởng những lợi ích lớn này.

Thưa ông Trí, ông có trao đổi gì thêm về câu hỏi này?

Ông Nguyễn Đại Trí: Khi đưa HĐĐT  vào sử dụng thì đây không còn là câu chuyện của riêng ngành thuế và các DN tham gia về hoạt động mua bán dịch vụ mà trong đó có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác. Sử dụng HĐĐT sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc luân chuyển hóa đơn trên thị trường.

HĐĐT đã được triển khai sử dụng một thời gian. Vậy kết quả sử dụng đến nay như thế nào, thưa ông Nguyễn Đại Trí?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: HĐĐT manh nha hình thành và được triển khai vài ba năm gần đây. Hiện nay, có nhiều DN sử dụng HĐĐT từ rất lâu. Trên cơ sở Nghị định 51 và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 thì Bộ Tài chính đã có những quy định về HĐĐT  trong đó có Thông tư 32 năm 2011.

 

Đến nay, theo số lượng mà chúng tôi nắm bắt được thì số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT  thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT  được ghi nhận. Lộ trình tiếp theo là phải đưa HĐĐT  phủ sóng rộng hơn tiến tới thay thế hóa đơn giấy.

 

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, trước những kết quả mà ông Nguyễn Đại Trí vừa đưa ra, ông có bình luận đánh giá gì? Và không chỉ dựa trên những bình luận kết quả này, ông cũng là một người rất sát sao, đồng hành với DN, ông hãy đưa ra bình luận của mình.

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện nay xu hướng áp dụng HĐĐT  diễn ra rất mạnh mẽ, những công ty, tập đoàn lớn thì đã áp dụng tiên phong. Chúng tôi muốn nói rằng việc áp dụng HĐĐT tuy giá trị không lớn nhưng tạo thành thói quen. Chúng tôi kì vọng trong thời gian tới HĐĐT không chỉ dừng lại ở ngưỡng 200.000 DN nhưng vẫn được tính hoàn thuế giá trị gia tăng chẳng hạn. Điều này mang lại lợi ích rất lớn. Hiện tại có hai loại HĐĐT. Một là HĐĐT do DN sử dụng chưa có mã xác thực của cơ quan thuế, hai là HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Sắp tới, sẽ có nhiều DN lo ngại đặc biệt là các DN đã áp dụng HĐĐT rồi nhưng chưa có mã xác thực của cơ quan thuế thì họ chuyển đổi như thế nào để đáp ứng được vấn đề này. Có thể họ phải tốn nhiều chi phí, có thể họ phải thay đổi cơ sở dữ liệu của mình để phù hợp với ý tưởng mới trong Nghị định này. Nhóm này chắc cần thời gian chuyển đổi.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của DN là liệu hạ tầng công nghệ có đáp ứng được hay không. Nhiều DN muốn có một lộ trình áp dụng cụ thể.

 

Thưa ông Trí, ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế vận hành của từng loại hóa đơn mà ông Tuấn vừa nêu?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Tôi xin đính chính lại một chút, theo tôi có 3 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là hệ thống hóa đơn tự xây dựng của các DN, thứ hai là HĐĐT sử dụng qua tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ HĐĐT, thứ ba là HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế.

 

Với hóa đơn xác thực, khi có nhu cầu, DN kết nối với cơ quan thuế thực hiện lập hóa đơn và cơ quan thuế sẽ xác thực cấp HĐĐT  với mã xác thực. Với hai nhóm hóa đơn còn lại, trong Nghị định cũng sẽ đặt ra vấn đề định kì hoặc tùy theo tính chất có thể hằng ngày thậm chí online tùy theo công việc. Tất nhiên, khi đưa ra một thay đổi mà nó tác động lớn đến toàn xã hội thì chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện đặt ra phải rất nghiêm túc, rất thận trọng, không gây xáo trộn DN. Các DN đang vận hành HĐĐT  tiếp tục vận hành, các DN hiện nay đang dùng hóa đơn giấy thì tùy theo mức độ người ta có thể xây dựng hoặc người ta có thể thông qua tổ chức trung gian. Còn với DN thuộc diện phải mua hóa đơn của cơ quan thuế, DN mới thành lập thì phải dùng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

 

Ông Tuấn vừa nói HĐĐT  sẽ giúp chúng ta minh bạch trong giao dịch, vậy HĐĐT  có giúp DN tránh được các rủi ro như hóa đơn giả, hóa đơn của DN bỏ trốn, hóa đơn bất hợp pháp như lâu nay?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Đấy chính là những lợi ích lớn của HĐĐT, khi mọi giao dịch được minh bạch hóa sẽ giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng, khi cơ quan thuế có đầy đủ dữ liệu thì có thể phân tích biết được những lĩnh vực có nguy cơ thất thu thuế cao và tiến hành các hoạt động giám sát, điều rất là khó với hóa đơn giấy hiện tại. Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý cho ngành thuế như trong các khâu phải cử người đi xác minh hóa đơn. Đối với DN thì lợi ích là giảm rủi ro về hóa đơn giả và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được. Đó là chưa kể đến các chi phí tiết kiệm được khi không phải in hóa đơn giấy so với hiện nay mỗi năm chúng ta phải in 4 tỷ hóa đơn giấy. 

 

Lợi ích thì rất lớn nhưng việc áp dụng HĐĐT đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ của không chỉ ngành thuế và không phải DN nào cũng muốn sự minh bạch thưa ông?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Đương nhiên có DN được hưởng lợi từ sự kém minh bạch nên họ không muốn chuyện đó nhưng chúng tôi luôn cổ vũ xu hướng kinh doanh lành mạnh, tuân thủ các nghĩa vụ thuế một cách đẩy đủ vì mục tiêu phát triển bền vững lâu dài của DN không vì lợi ích trước mắt.

 

Thưa ông Trí khi áp dụng HĐĐT  thì cách quản lý cũng phải thay đổi thưa ông?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Để áp dụng HĐĐT cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cái lợi lớn nhất mà ngành thuế có được là cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời về toàn bộ các hoạt động giao dịch mua bán. Khi đó chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp công nghệ để cung cấp các dịch vụ tra cứu, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, điều tra chống gian lận thương mại … Cái thứ ba nữa là khi có cơ sở dữ liệu về thuế chúng tôi có điều kiện thống kê đánh giá toàn bộ các hoạt động mua bán trên thị trường.

 

Thưa ông Tuấn, ông có chia sẻ gì về lo ngại của DN khi triển khai áp dụng HĐĐT?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Điều DN lao ngại nhất là khi triển khai chủ trương này là việc áp dụng công nghệ thông tin liệu có phù hợp hay không, nhất là đã có tình trạng nghẽn mạng khi DN kê khai thuế điện tử. Lo ngại thứ hai là kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau vì việc kết nối không tốt, rời rạc thì thiệt hại trực tiếp là DN. Lo ngại thứ ba là về chi phí, nhất là đối với các DN nhỏ, doanh thu thấp. Lo ngại thứ tư là về lộ trình áp dụng, theo phương án ngành thuế đưa ra từ 1/1/2018 áp dụng ngay đối với các DN nguy cơ rủi ro cao, từ 1/7/2018 áp dụng với các DN còn lại thì liệu có quá gấp hay không khi từ nay đến đó thời gian không còn dài.

 

DN cũng lo ngại khi áp dụng HĐĐT  việc kết nối với hệ thống hóa đơn giấy hiện tại thế nào trong các trường hợp cần thiết, vì vậy cơ quan thuế cần lường trước các rủi ro có thể phát sinh. Tôi tin rằng với kinh nghiệm của ngành thuế trong thực hiện kê khai thuế điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hạn chế được các vấn đề phát sinh cho DN.

Thưa ông Trí, ông chia sẻ thế nào về lo ngại của DN đối với lộ trình áp dụng HĐĐT ?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều băn khoăn, lo ngại của DN. Thực tế thời gian qua, ngành thuế đã triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký, kê khai, đến mới đây nhất là hoàn thuế điện tử và lộ trình tiếp theo là HĐĐT. Khi triển khai, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu vấn đề liệu hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị có đáp ứng được không thì mới có thể triển khai được.  

 

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề DN theo ông cần có chính sách gì chuyển đổi sử dụng HĐĐT?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Vừa rồi chúng tôi hợp tác với Tổng cục Thuế triển khai  hội thảo tại Hà Nội và TPHCM. Nhìn chung các DN ủng hộ cao, tinh thần sửa đổi Nghị định 51/2004 của Chính phủ, tuy nhiên họ cũng có lo ngại

 

Đầu tiên là mức độ áp dụng công nghệ thông tin, liệu có phù hợp không? Ngay điều tra các DN tại 63 tỉnh, thành phố, một trong các điều DN đánh giá một trong những hạn chế áp dụng thuế, kê khai thế áp dụng qua mạng tình trạng cuối kỳ thường nghẽn, tạo ra khó khăn nhất định có thể gây thiệt hại cho DN.

 

Điểm lo  ngại thứ hai là kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, giữa cơ quan thuế, thị trường, hải quan, nhân hàng,  đây là yêu cầu rất quan trọng, nếu hệ thống kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước không tốt , phân mảnh, DN sẽ thiệt hại trực tiếp đầu tiên

 

Thứ ba là về chi phí, với DN doanh thu ít họ cũng lo ngại, việc trả chi phí cao hằng năm cho tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng đến  hóa đơn sẽ tạo gánh nặng chi phí. DN mong muốn có phương án bảo đảm phù hợp hơn

 

Thứ tư là về  lộ trình, theo phương án dự thảo Nghị định đang đưa ra, từ 1/1/2018 áp dụng ngay với DN lớn.

 

Các DN băn khoăn có nên giãn lộ trình, thực hiện từng bước với quan điểm thận trọng. Họ cũng lo ngại, yêu cầu về  thanh tra, kiểm tra đáp ứng như thế nào? Rủi ro có thể có , cơ quan soạn thảo cần dự trù hết các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình áp dụng. Nhìn chung, áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng điện tử không phải mới, ngành thuế đã tiến hành rất thành công trong áp dụng nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng. Hiện nay hơn 99% DN kê khai thuế qua mạng, ngành thuế chắc chắn có kinh nghiệm trong vấn đề này.

 

Thời gian qua ngành thuế triển khai các công nghệ rất tốt, song các DN vẫn cho rằng các hoạt động kinh doanh không thể chờ đợi sự hoàn thiện được, hoạt động kinh doanh rất ngại rủi ro, DN mong muốn nagnfh có bước đi bài bản và dự phòng những rủi ro có thể xảy ra

 

Thưa ông Trí, rõ ràng khi triển khai một chính sách lộ trình thực hiện là vô cùng quan trọng, ông có thể chia sẻ gì về sự băn khoăn của DN trước lộ trình thực hiện như trong dự thảo  hiện nay?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Kể từ khi đưa dự thảo Nghị định lấy ý kiến rộng rãi và đặc biệt sau 2 hội thảo do VCCI tổ chức, Tổng cục Thuế  đã ghi nhận nhiều băn khoăn phía DN.

 

Thứ nhất là về điều kiện để áp dụng sử dụng được hay không. Thực tế  trong  nhiều năm qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều hoạt động giao dịch thuế điện tử. Bắt đầu từ đăng ký thuế điện tử, kê khai, nộp thuế, gần đây là hoàn thuế điện tử.

 

Khi triển khai, một trong những vấn đề Tổng cục Thuế luôn đặt lên hàng đầu là hạ tầng đường truyền, cơ sở vật chất , thiết bị…

 

Chúng tôi bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông có ý kiến và câu trả lời là hầu hết trên cả nước đều phủ sóng 3G, 4 G. Đó là cơ sở quan trọng  nhất. Gần như 100% doanh  nghiệp đã kê khai thuế điện tử, 96% DN nộp thuế điện tử.

 

Từ đó cho thấy các DN đã sãn sàng thực hiện. Còn góc độ về cơ sở vật chất , trang thiết bị của doanh nghiệp, trong HĐĐT chúng tôi sẽ tiếp cận đến các thiết bị khác nhau.

 

Thứ hai là về lộ trình. Qua ý kiến của DN, chúng tôi sẽ có điều chỉnh cho phù hợp hơn. Tổng cục Thuế sẽ cân nhắc các phương án trình bộ Tài chính và Chính phủ cho lùi lại đến 1/7/2019.

 

Chúng ta đang có DN sử dụng HĐĐT của DN tự xây dựng và hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Các DN đang đặt in thì hoàn toàn có thể sử dụng của các tổ chức trung gian. Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các DN chuyển dữ liệu về các tổ chức trung gian.

 

Về tính thông suốt của hệ thống, khác với hoạt động kê khai nộp thuế, hoạt động HĐĐT diễn ra thường xuyên hằng này, hàng giờ. Có yếu tố thời hạn kê khai nộp thuế trước ngày 20 hằng tháng, dường như các DN đều đợi sát tới ngày đó mới làm, điều này sẽ chậm hơn ngày thường, bản thân DN phải thay đổi để không nghẽn mạng.

 

Thưa ông Tuấn, về giải pháp này, ông có chia sẻ gì thêm?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi lạc quan về kế hoạch áp dụng HĐĐT của Tổng cục Thuế. Chúng tôi mong  rằng những giao dịch dù nhỏ, nếu áp dụng bài bản công nghệ thông tin sẽ giúp thay đổi lớn cho hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn

 

Đầu tư ban đầu cần một khoản đầu tư nhỏ, nhưng DN có thể tin rằng những khoản tiết kiệm chi phí sẽ có lợi nhiều về sau, bởi mọi giao dịch đều được điện tử hóa, DN không phải đầu tư nhiều nhân lực và thời gian. Lợi ích của việc áp dụng này là điều quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng để áp dụng thành công HĐĐT phải cần trách nhiệm cả hai phía. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển hạ tầng, có phương án phù hợp, có hệ thống pháp lý đầy đủ. Các DN cần định hướng rõ ràng trong áp dụng công nghệ thông tin. Việc áp dụng công nghệ thông tin, trong đó có HĐĐT  là xu hướng không thể đảo ngược.

 

Trước mắt nhiều hộ kinh doanh, nhiều DN nhỏ sẽ khó khăn, nhưng cần ủng hộ định hướng này của Chính phủ của Tổng cục Thuế. Chúng tôi kỳ vọng không riêng ngành thuế mà tới đây nhiều cơ quan bộ ngành khác  cũng áp dụng công nghệ thông tin, như vậy nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chuyển động nhanh và mang lại lợi ích lớn.

Một vấn đề nữa mà các DN hết sức quan tâm là chi phí cung cấp dịch vụ của các nhà mạng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực thuế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? Và nên chăng nhà nước khống chế mức giá  trần để giảm tối đa chi phí cho DN thưa ông Đậu Anh Tuấn?

 

Ông Đậu Anh Tuấn: Nhiều DN còn phàn nàn về việc chi trả chi phí số hiện nay còn quá cao, chưa kể các rủi ro khác. Ví dụ như DN đã đăng ký với một nhà cung cấp chữ ký số nhưng khoảng 2-3 năm, DN cung cấp chữ ký số này giải thể khiến DN tốn kém rất nhiều, gây thiệt hại cho DN. Chúng tôi mong các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến HĐĐT  cần áp dụng công nghệ tốt nhất nhưng không độc quyền mà nên có sự cạnh tranh lành mạnh để cung cấp cho DN dịch vụ tốt, chi phí hợp lý. Đặc biệt, phần lớn DN ở Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu hằng năm không cao, nên với chi phí lớn phải bỏ ra sẽ là gánh nặng với họ. Chúng tôi cũng mong có những gói dịch vụ phù hợp với đối tượng sử dụng khác nhau.

 

Có ý kiến cho rằng HĐĐT chỉ phù hợp với những DN như điện, nước, ngân hàng, siêu thị lớn,... còn DN vừa và nhỏ không phù hợp, ví dụ: đi giao hàng không có hóa đơn làm sao giao hàng, phải in thêm phiếu xuất, nếu giao cho công ty vận chuyển giao hàng thì phải in phiếu xuất, chưa kể giao hàng thừa thiếu, xử lý phức tạp khi đã bàn hành HĐĐT làm sao hủy hóa đơn để viết lại HĐĐT  khác. Vì vậy, nên để cho DN lựa chọn không nên ép buộc, vì tùy theo đặc thù của từng DN.

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Trong tổng số 2.700 DN đang sử dụng HĐĐT có những DN không phải là DN lớn mà là DN nhỏ thôi nhưng đã sử dụng. Chúng tôi chia sẻ với những quan ngại của các DN, nhưng để có sự cải cách này không chỉ là câu chuyện của ngành thuế mà đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các DN để có thể đưa HĐĐT  đi vào cuộc sống.

 

Tất nhiên trong quá trình xây dựng Nghị định cũng như sau này là các hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ hết sức lưu ý điều đó. Ví dụ như câu chuyện đi trên đường thì cũng phải đề nghị các cơ quan chức năng sử dụng giải pháp công nghệ để tra cứu, truy xuất, kiểm tra hàng hóa trên đường. Nhưng vẫn có cách để phục hồi HĐĐT ra giấy trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ kiểm tra và hóa đơn khi được phục hồi ra giấy sẽ có những dấu hiệu nhận biết để biết được rằng hóa đơn này được phục hồi từ HĐĐT. Trong quá trình lập hóa đơn không thể tránh khỏi sai xót, nhầm lẫn, chúng tôi sẽ cung cấp các tính năng sửa hóa đơn, hủy hóa đơn để DN dễ dàng sử dụng, tuy nhiên phải theo đúng quy định và cơ quan chức năng có thể kiểm tra lại việc sửa chữa đó có cơ sở.

 

Tôi tự tin rằng có thể giám sát được tất cả các hoạt động đó, tránh được những hành vi tùy tiện, cố tình làm ảnh hưởng hệ thống. Còn về lưu trữ, bản thân DN có thể tự lưu trữ ngay tại DN hoặc có thể lưu trữ chung trên hệ thống của ngành thuế với cơ sở dữ liệu chung có khả năng lưu trữ không giới hạn về mặt thời gian.

 

Ông nhận xét thế nào về ý kiến này và đối với những khách hàng ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin thì sử dụng HĐĐT như thế nào?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Xây dựng HĐĐT không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hóa đơn giấy. Chúng tôi cho rằng ở đâu, đất nước nào cũng có đặc thù, nên chúng tôi sẵn sàng cho việc có những nơi tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy. Đối với các DN, các cơ quan nhà nước, chúng tôi phải nhận biết được trường hợp nào được dùng hóa đơn giấy, trường hợp nào không, chứ không thể tùy tiện làm giảm giá trị của hệ thống chúng ta vừa xây dựng. Cách làm của chúng tôi là luôn có biện pháp dự phòng để mọi hoạt động của DN không bị ảnh hưởng.

 

Có một DN hỏi “khi áp dụng HĐĐT, chúng tôi kê khai thuế với chi cục thuế địa phương có gặp khó khăn vướng mắc gì không, cách thức kê khai như thế nào so với hóa đơn giấy đang áp dụng”?

 

Ông Nguyễn Đại Trí: Toàn bộ hoạt động kê khai khi số hóa được sẽ không có gì thay đổi. Nếu DN vừa sử dụng HĐĐT vừa sử dụng phần mềm của DN trong công tác kế toán, bán hàng, quản trị thì khi 2 việc này kết hợp với nhau thì thậm chí công tác kê khai sẽ automatic thực hiện theo phần mềm đưa ra. Chúng ta có nói đến việc triển khai HĐĐT  cần có sự vào cuộc, có sự đồng lòng của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, các DN thì tôi phải đặc biệt nói đến một nhóm DN đó là các DN cung cấp phần mềm (phần mềm kế toán, phần mềm bán hàng, phần mềm quản trị), tôi mong rằng các DN tiếp cận sớm để khi chúng tôi cung cấp các thông tin cần thiết, các DN có thể điều chỉnh, cập nhật phần mềm cho các DN cung cấp phần mềm, DN sử dụng phần mềm và cả ngành thuế nữa.

Link video buổi tọa đàm: http://media.chinhphu.vn/video/dua-hoa-don-dien-tu-vao-cuoc-song-8654

Cổng TTĐT Chính phủ(www.chinhphu.vn)